CHUYỂN TRƯỜNG VỀ THỊ TƯ VOI - XÃ KỲ PHONG

Năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh sau 15 năm sáp nhập, được chia làm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Sở giáo dục & đầo tạo Hà Tĩnh được chuyển về đóng ở tại địa điểm mới cạnh đường Phan Đình Phùng do Thầy Trần Đình Tiêu làm giám đốc.Trên cương vị làm giám đốc một ngành lớn sau khi tách tỉnh, Thầy Tiêu muốn thực hiện một số việc nhằm đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục ở Hà Tĩnh xứng đáng với truyền thống hiếu học của nhân dân trên mảnh đất Hồng Lam :

Năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh sau 15 năm sáp nhập, được chia làm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Sở giáo dục & đầo tạo Hà Tĩnh được chuyển về đóng ở tại địa điểm mới cạnh đường Phan Đình Phùng do Thầy Trần Đình Tiêu làm giám đốc.Trên cương vị làm giám đốc một ngành lớn sau khi tách tỉnh, Thầy Tiêu muốn thực hiện một số việc nhằm đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục ở Hà Tĩnh xứng đáng với truyền thống hiếu học của nhân dân trên mảnh đất Hồng Lam :

- Xây dựng đội ngũ quản lí từ cơ sở đến tỉnh đủ tầm lãnh đạo sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà.

- Sắp xếp lại mạng lưới trường lớp cho phù hợp với tình hình đặc điểm của từng vùng miền, tạo điều kiện thuận lợi cho con em học tập.

- Bồi dưỡng một đội ngũ giáo viên giỏi để dạy ở Trường chuyên tỉnh và các lớp chọn ở trường cơ sở , đẩy nhanh số lượng học sinh giỏi , học sinh đại học và chuyên nghiệp. Phấn đấu đưa Hà Tĩnh vào tốp đầu các tỉnh về chất lượng giáo dục của cả nước.

- Tham mưu với Lãnh đạo Tỉnh ban hành một số chính sách để nâng cao đời sống  cho giáo viên.

Đầu năm 1993 trường Nguyễn Huệ được UBND tỉnh  Hà Tĩnh cho phép chuyển từ xã Kỳ Tiến lên Thị tứ Voi - xã Kỳ Phong. Việc chuyển trường về Thị tứ Voi phù hợp với xu thế đổi mới của ngành và cũng là thực hiện một trong những mong muốn của Thầy Tiêu khi mới tách tỉnh.

Chuyển trường vào thời điểm này quả thật rất khó khăn vì số lượng học sinh của trường còn rất ít ( 6 lớp với gần 300 học sinh ). Kinh tế của cả nước nói chung và đời sống của nhân dân trong vùng rất khó khăn, thiếu thốn. Về mặt tâm lí, trường đã ở trên đất Kỳ Tiến 21 năm, nhân dân , phụ huynh và học sinh gắn bó, cưu mang , giúp đỡ trường ngần ấy năm giờ trường chuyển đi là không ai muốn.

Khi có quyết định của UBND tỉnh, chúng tôi vào làm việc với thường trực Huyện uỷ và UBND huyện Kỳ Ạnh. Huyện uỷ và UBND huyện, đặc biệt là Bác Nguyễn Din, Bí thư huyện uỷ và Anh Phan Công Trân, Chủ tịch UBND huyện rất đồng tình và ủng hộ.

Công việc cuối năm học 1992 - 1993 rất nhiều, nay có việc chuyển trường nên càng bề bộn thêm. Chúng tôi phải họp Chi bộ và Hội đồng giáo dục để thống nhất chủ trương và bàn biện pháp triển khai thực hiện. Chúng tôi cũng tổ chức họp phụ huynh để thông báo kế hoạch chuyển trường, tạo sự đồng thuận cao trong phụ huynh và học sinh.

Điều khó khăn đầu tiên là tìm địa điểm mới để xây trường. Đảng uỷ và UBND xã Kỳ Tiến sẵn sàng cấp đất cho trường vùng đất ở gần cầu Xã. Vùng đất này rộng, bằng phẳng , gần đường Một, khá thuận tiện cho việc đi lại của học sinh. Nhưng ý của huyện là muốn chuyển trường về Thị tứ Voi để làm cho bộ mặt của vùng Voi thay đổi phù hợp với trung tâm văn hoá kinh tế của vùng bắc Kỳ Anh và nam Cẩm Xuyên. Thuận lợi cho con em đi lại học tập. Đảng uỷ, UBND xã Kỳ Phong rất tán thành quan điểm này. Khi chúng tôi đề xuất chọn địa điểm thì anh Trần Ngọc Hiện bí thư Đảng ủy, anh Lê Xuân Hoà chủ tịch UBND xã và các anh trong lãnh đạo địa phương rất ủng hộ.

Lãnh đạo huyện cùng với Ban giám hiệu trường, họp bàn với lãnh đạo Kỳ Phong về địa điểm đặt trường, lãnh đạo xã nêu 4 địa điểm:

- Vùng đất sau vườn ông Tá Liên ở thôn Hoà Bình

- Vùng đồi chè của các cụ phụ lão ở Mỹ Phong

- Vùng đồi chè của các cụ phụ lão ở Liên Sơn

- Vùng đất của Cửa hàng ăn uống tại ngã ba Voi.

Anh Phan Công Trân chủ tịch UBND huyện cùng với Ban giám hiệu và lãnh đạo xã Kỳ Phong đi thực tế xem xét 4 vùng đất trên. Mỗi vùng có một đặc điểm thuận lợi và khó khăn khác nhau, nhưng cả 4 địa điểm đều có thể đặt trường. Cuối cùng điểm được chọn là vùng đất của Cửa hàng ăn uống ở Voi. Vùng đất này có mấy ưu điểm:

1. Ở trung tâm Thị tứ Voi nên dễ thực hiện ý đồ làm đẹp vùng Voi.

2. Là vùng đất công dễ giải toả theo Chỉ thị 388 giải thể các đơn vị không phát huy được hiệu quả

3. Thuận lợi cho việc đi lại, học tập của học sinh trong vùng.

4. Có một số cơ  sở vật chất của Cửa hàng ăn uống có thể bàn giao sang cho trường sử dụng tạm trong lúc giao thời ( nhà làm việc 4 gian, giếng nước, cây bóng mát…)

Tuy có những  thuận lợi như trên nhưng việc giải toả mặt bằng không hề đơn giản. Vì lúc ấy có 16 hộ dân sau chiến tranh đã về ở trong vực đó. Chúng tôi phải tổ chức nhiều cuộc họp để 16 hộ dân trong vùng đất này để thoả thuận tiền điền bù và  có đất để cho họ làm nhà ở cho cuộc sống lâu dài. Việc tìm đất cho 16 hộ dân này là cả một vấn đề khó khăn. Mỗi hộ có một yêu cầu riềng, tìm được đất để họ vừa ý chấp thuận cho là điều không dễ. Nhưng được sự hổ trợ đắc lực của lãnh đạo xã Kỳ Phong, lãnh đạo huyện và sở giáo dục nên tiền đền bù cũng như diện tích đất ở cho 16 hộ dân di dời được thoả thuận. Có được đất rồi công tác di dời được bắt đầu. Lực lượng là thầy trò, phụ huynh kết hợp với các Bác trong Hội cựu chiến binh trong xã Kỳ Phong trong một thời gian ngắn đã chuyển được 16 hộ dân ra khỏi trường đóng. Sau khi giải phóng được 16 hộ dân thầy và trò bắt tay vào san lấp mặt bằng, đắp nền để chuẩn bị làm những phòng học đầu tiên.

Tháng 6 nắng chang chang, phượng nở thắm, ve ngân rộn rã, cũng là thời điểm thầy trò cùng với phụ huynh ra quân chuyển trường. Theo ý kiến của Huyện uỷ và UBND huyện thì toàn bộ cơ sở vật chất của trường hiện có bàn giao lại cho xã Kỳ Tiến để chuyển trường THCS Kỳ Tiến về. Tại thời điểm này trường THCS Kỳ Tiến cũng khó khăn, được tiếp quản một cơ sở như vậy sẽ tạo đà cho trường phát triển. Điều này cũng phù hợp với nguyện vọng của nhân dân địa phương. Thực hiện ý kiến của lãnh đạo Huyện, thầy trò chúng tôi chỉ tháo dỡ một phòng học cấp 4, chặt một số cây Bạch đàn, Xà cừ để chuyển lên làm phòng học ở địa điểm mới. Thầy trò huy động tổng tổng lực xe bò, gồng gánh… ngày đêm vận chuyển đồ đạc văn phòng, bàn ghế, đồ thí nghiệm, hồ sơ sổ sách của trường tập kết về địa điểm của thị tứ Voi. Hơn nửa tháng, chúng tôi đã chuyển được đồ đạc, bàn ghế và làm được 3 phòng học tạm tại địa điểm mới.

Ngày 18 tháng 6  năm 1993 được sự hổ trợ kinh phí của Sở và Huyện, chúng tôi khởi công xây dựng 4 phòng học cấp 4. Trong buổi khởi công có thầy Đinh Lê Báu, Giám đốc Sở, anh Phan Công Trân , Chủ tịch UBND huyện, đại diện Đảng uỷ, UBND xã Kỳ Phong, đại diện Hội phụ huynh và toàn thể lãnh đạo trường đến dự thật hân hoan, trọng thể . Sau gần 3 tháng thi công, chủ thầu Lại Văn Hiền, người ở Huế bàn giao 4 phòng học mái ngói đỏ tươi, tường quét vôi trắng xoá, cửa sơn son xanh nâu khang trang đẹp đẽ.

Ngày 5 tháng 9 năm 1993 thầy trò phấn khởi làm Lễ khai giảng năm học 1993 - 1994  tại trường mới ở vùng Voi. Lễ khai giảng thật long trọng, thầy trò thật sự hân hoan, tự hào, phấn khởi bước năm học mới nơi ngôi trường mới tự tay mình tạo dựng nên. .

Năm học mới này, cơ sở vật chất của trường chỉ mới có 3 phòng học tạm, 4 phòng cấp 4 vừa mới xây xong, trong số đó dùng một phòng để đồ thí nghiêm và thư viện, số phòng còn lại dành cho học sinh học tập.  Một nhà 4 phòng ( gổm 2 lồi, 2 lõm) nguyên là nhà làm việc của lãnh đạo Cửa hàng ăn uống bàn giao lại cho trường dùng để làm phòng họp hội đồng và phòng làm việc của Ban giám hiệu. Giáo viên ở xa về công tác tại trường phải ở tại những phòng tranh tre, vách thưng chật hẹp. Ngần ấy cơ sở vật chất ban đầu nơi trường mới, thầy và trò quyết tâm vừa học vừa lao động để tạo dựng bồn hoa, sân trường, trồng cây bóng mát, trồng rừng theo dự án Oxfam Anh và Ai Rơ Len tài trợ… từng bước làm đẹp trường, đẹp lớp.

Đến nay, sau 19 năm, trường có 3 dãy phòng học 2 tầng, 1 dãy 3 tầng, 1 nhà 2 tầng để họp hội đồng và phòng làm việc của Ban giám hiệu và lãnh đạo các tổ chức của trường. Có phòng thư viện, phòng đọc, phòng thí nghiêm thực hành, phòng máy tính để dạy các tiết tin học cho học sinh. Có Nhà truyền thống đầy đủ tranh ảnh, mô hình, hiện vật phản ánh sự phát triển và trưởng thành của nhà trường trong 40 năm qua. Có phòng thờ Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và in treo các Di huấn của Người. Có hệ thống giếng nước sạch phục vụ sinh hoạt của thầy và trò mỗi khi đến trường. Trường có 2 khu nội trú 6 dãy nhà, trong đó có một dãy nhà 2 tầng có phòng ở khép kín,Khang trang , sạch đẹp,  phục vụ tốt cho anh em giáo viên ở nội trú , giúp anh em an tâm công tác. Trường có sân tập thể dục, sân bóng đá, bóng chuyền, có bồn hoa cây cảnh, có hòn non bộ, có môi trường xanh - sạch - đẹp, tạo sự phấn khởi và tự hào cho học sinh mỗi khi đến trường.

Với cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ , phong trào dạy và học của trường thu được những thành quả đáng mừng. Hàng năm học sinh thi đỗ tốt nghiệp , đại học, cao đẳng ngày càng cao. Học sinh giỏi ngày càng nhiều. Trường THPT Nguyễn Huệ thật sự xứng đáng là cái nôi đào taọ nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài ở địa phương.

Với thực tiễn hoạt động và hiệu quả giáo dục, đào tạo của trường sau 19 năm chuyển trường về thị tứ Voi, chúng tôi có mấy suy nghĩ tâm đắc sau :

- Được lãnh đạo các cấp, nhân dân, phụ huynh quan tâm, đùm bộc giúp đỡ, thì công việc dù khó mấy cũng sẽ vượt qua.

- Lịch sử phát triển trong xu thế luôn luôn đổi mới, cần phải nắm bắt kịp thời và xử lí đúng thì dễ thành công.

- Đội ngũ giáo viên đoàn kết, thống nhất tận tụy vì học sinh, vì sự nghiệp giáo dục thì chất lượng đào tạo ngày càng có hiệu quả cao, vị thế của nhà trường ngày càng được nhân dân khảng định.

- Sự nghiệp trồng người thật vinh quang nhưng cũng đầy gian khó. Thành quả giáo dục là thành quả của toàn xã hội. Bởi vậy sự đồng tâm hiệp lực của đội ngũ giáo viên, phụ huynh, học sinh và của lãnh đạo các cấp là vô cùng cần thiết cho quá trình đào tạo của nhà trường.Thành quả giáo dục có một ý nghĩa rất to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.

Xứ Voi, ngày 12 - 9 - 2012

Thầy giáo Nguyễn Tiến Chưởng

Nguyên hiệu trưởng Trường từ 1989 - 2011

Lượt xem: 655
Nguồn:thptnguyenhuehatinh.edu.vn Copy link
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 292
Hôm qua : 132
Tháng 04 : 2.466
Năm 2024 : 32.258